Xuất phát từ chủ trương của Bộ GD&ĐT, nhiều cơ sở GDĐH đã hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, nghiên cứu trọng điểm. Xung quanh chủ đề này, GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM (HCMUE) đã có những chia sẻ với Báo GD&TĐ.
Đóng góp tích cực cho NCKH
Tình hình triển khai nhóm nghiên cứu mạnh (NCM) tại HCMUE trong thời gian vừa qua như thế nào, thưa ông?
GS.TS Huỳnh Văn Sơn: Trong năm học 2018, Trường ĐH Sư phạm TPHCM xây dựng kế hoạch phát triển các nhóm NCM trong toàn trường, sau đó tiến hành xem xét để ra quyết định thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh. Với các định hướng chiến lược và các tiêu chuẩn cụ thể, trường đã thành lập được hai nhóm nghiên cứu mạnh vào cuối năm 2018: Nhóm nghiên cứu Vật lý tính toán về nguyên tử, phân tử trong điện từ - GS.TSKH Lê Văn Hoàng là Trưởng nhóm với 7 thành viên; Nhóm nghiên cứu Tâm lý học giáo dục do GS.TS Huỳnh Văn Sơn làm Trưởng nhóm với 8 thành viên.
Với kế hoạch hoạt động cụ thể, có thể khẳng định hai nhóm nghiên cứu mạnh đã hoạt động hiệu quả và gây được hiệu ứng về hoạt động nghiên cứu khoa học và hoạt động phát triển nhóm nghiên cứu mạnh ở ngành giáo dục và đào tạo. Hoạt động này nhận được sự quan tâm trực tiếp của Bộ trưởng, Vụ Khoa học công nghệ. Đây là kinh nghiệm nền tảng để các chính sách, đề xuất dành cho khoa học công nghệ, phát triển nhóm nghiên cứu mạnh trở thành những nội dung quan trọng đột phá thúc đẩy đổi mới hoạt động khoa học và công nghệ ở trường đại học.
Ông có thể cho biết những thành tích sơ khởi của nhóm NCM mà ông làm chủ nhiệm trong thời gian từ khi nhóm thành lập đến nay?
- Có thể khẳng định hai nhóm nghiên cứu của trường, nhất là nhóm nghiên cứu Vật lý tính toán về nguyên tử, phân tử trong điện từ đã có những thành tựu nổi bật với gần 40 công bố khoa học quốc tế có uy tín.
Với vai trò là Trưởng nhóm của nhóm nghiên cứu mạnh Tâm lý học giáo dục, các kết quả cụ thể của nhóm Tâm lý học giáo dục trong năm 2019 - 2020 như sau: Thực hiện đúng hạn hai đề tài khoa học cấp Nhà nước trong chương trình khoa học giáo dục quốc gia; Chủ trì một đề tài khoa học cấp Quốc gia Quỹ Nafosted và nghiệm thu năm 2020; Hoàn thành 2 đề tài khoa học cấp Thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Cần Thơ; Hoàn thành 2 đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ và Bảo vệ thành công 3 đề tài thanh khoản - nguồn kinh phí tài trợ và nhiều đề tài cơ sở đặt hàng đã và đang tiến hành.
Về công bố quốc tế, Tổng số bài báo công bố khoa học chuyên ngành là: 23 bài, trong đó 17 bài trong danh mục Scopus, 1 bài Q1, 3 bài Q2, 6 bài Q3, 8 bài Q4; trong danh mục ISI có 9 bài, 1 bài SSCI và 8 bài ESCI. Tổng số bài báo công bố hội thảo khoa học quốc tế chuyên ngành là: 9 bài. Tổng số bài báo công bố tập san chuyên ngành trong nước là: 15 bài; Tổng số bài báo công bố hội thảo khoa học chuyên ngành trong nước là: 20 bài...
Nhóm cũng đã phối hợp với Khoa Toán cùng với sự hỗ trợ của Phòng Khoa học Công nghệ và Môi trường - Tạp chí Khoa học tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với sự đầu tư của Chương trình ETEP. Đây là Hội thảo mà tất cả bài báo cáo khoa học đều sử dụng tiếng Anh - phiên toàn thể và các tiểu ban đều sử dụng tiếng Anh.
Nhóm cũng mở được nhiều kênh liên lạc, hợp tác quốc tế quan trọng nhằm hỗ trợ thúc đẩy hoạt động theo tầm nhìn của nhóm. Ngoài ra, nhóm còn thực hiện một số nhiệm vụ: Hoạt động chuyển giao KHCN & đào tạo; Hoạt động viết sách chuyên khảo và giáo trình... như một hoạt động của toàn nhóm.
Ông đánh giá thế nào về hiệu quả mà nhóm NCM mang lại nói chung và sự phát triển KHCN của trường nói riêng?
- Đánh giá chung cho thấy qua thời gian hoạt động nhóm nghiên cứu mạnh ở trường đại học và Trường ĐH Sư phạm TPHCM, nhóm nghiên cứu mạnh đã bước đầu có những hoạt động và thành quả đáng lưu ý đóng góp vào hoạt động chung của trường và khắc họa hình ảnh lĩnh vực KHCN trong trường ĐH.
Trong đó, số lượng công bố quốc tế mà các thành viên nhóm tham gia với vai trò tác giả 1 hoặc đồng tác giả đã gia tăng đáng kể về số lượng và chất lượng. Các tạp chí có uy tín Q1, Q2 đã có bài của nhóm xuất hiện góp phần cho định hướng phát triển khoa học và công nghệ chung nhất là các công bố khoa học quốc tế trong lĩnh vực Giáo dục học - Tâm lý học - Xã hội và Nhân văn. Đây là một trong những tiêu chí góp phần xây dựng hình ảnh và vị thế của Trường đại học từ nội lực, từ những đầu tư có điểm đến, có nền tảng.
Hoạt động của nhóm NCM cũng là cơ sở quan trọng để thúc đẩy các kế hoạch hợp tác với các nước, với các trường ĐH và các nhóm NCM khác ở: Mỹ, Úc, Nhật, Trung Quốc, Đài Loan... bằng mối quan hệ nghiên cứu khoa học.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu mạnh không chỉ trực tiếp tiến hành các dự án nghiên cứu trong nước từ cấp nhà nước đến cấp cơ sở đều có sự tham gia chặt chẽ của các thành viên nhóm EPRG là chủ chốt mà còn tham gia với tư cách là cố vấn, đóng góp nhiều thành viên tham gia các hoạt động đào tạo, chuyển giao KHCN của Bộ GD&ĐT (dự án ETEP, RGEP), các Sở GD&ĐT theo đặt hàng và của kế hoạch chung của trường đại học.
Điều có thể khẳng định là việc nghiên cứu của nhóm xuất phát từ bối cảnh của xã hội, của ngành và các thành tựu của giáo dục và đào tạo; đồng hành và giải quyết các vấn đề của ngành và của trường trên bình diện học thuật và định hướng ứng dụng. Sự nuôi dưỡng tinh thần đam mê nghiên cứu khoa học, đáp ứng các yêu cầu của nghiên cứu khoa học từ các góc nhìn cũng như phát triển năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên, tạo ra tầm ảnh hưởng đến hoạt động nghiên cứu khoa học là một thực tế có thể khẳng định.
Để nhóm NCM phát triển
Đâu là những hạn chế hay tồn tại của nhóm NCM bên cạnh những kết quả đã nêu sau thời gian hoạt động?
- Bên cạnh các thành quả ban đầu đã đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế của nhóm nghiên cứu mạnh Tâm lý học giáo dục cần sớm được khắc phục.
Cụ thể như sự nhận diện nhóm chưa như kỳ vọng. Tồn tại này là điều cần nhìn nhận khi các hoạt động chung, các hoạt động thể hiện nhận diện nhóm chưa liên tục. Nguyên nhân của tồn tại này là do việc xây dựng nhận diện chưa sâu, quy trình làm việc chung, sắp xếp được thời gian cho các hoạt động chung còn hạn chế ít nhiều. Nhóm trưởng nhóm NCM có nhiều đầu việc, thời gian cũng còn hạn chế nên việc tổ chức hoạt động nhóm chưa thật hiệu quả.
Ngoài ra, nhân lực của nhóm vẫn chưa thật tập trung, vẫn còn phân lực cho các hoạt động khác nên sự hy sinh cho nhóm chưa nhiều.
Số lượng công bố quốc tế năm 2019 đến năm 2020 tuy đã khá, nhưng đó là nỗ lực cá nhân của các thành viên riêng lẻ và còn rất hạn chế số thành viên có năng suất công bố tốt. Nguyên nhân của tồn tại này là còn thiếu sự gắn kết hoạt động nghiên cứu của thành viên nhóm do nhiều lý do khách quan (đi học, nghỉ thai sản ...), chưa mở rộng được hợp tác quốc tế trong nghiên cứu nên cơ hội công bố quốc tế song phương, đa phương chưa cao. Ngoài ra, vị thế của nhóm nghiên cứu cần được phát triển trên bình diện mới cũng là trách nhiệm mà nhóm rất quan tâm...
Với những vấn đề đã đặt ra, từ góc độ nhóm đề xuất hay từ góc nhìn quản lý, theo ông đâu là cách thức để giải quyết các tồn tại đã nêu?
- Có thể nói nhóm NCM là sự đầu tư đúng của trường và ngành GD&ĐT. Có cơ hội nhận được sự chỉ đạo và làm việc trực tiếp cùng với Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Bộ trưởng trong các chương trình phát triển KHCN ở các trường ĐH nói chung và trường Sư phạm nói riêng, sự quan tâm và chỉ đạo sâu sát đã tạo nên một động lực mới để phát triển lĩnh vực này.
Khắc phục tồn tại là trách nhiệm của nhóm bằng tư duy phát triển cũng như bằng khả năng và quyết tâm. Cụ thể, nhóm cần xây dựng sớm nhận diện nhóm ERPG, xây dựng quy trình làm việc và các hoạt động chung của nhóm một cách có chiến lược hơn, đề xuất nhà trường xem xét lưu ý miễn trừ hoạt động giảng dạy nhất là với các thành viên ngoài trường và các CTV chính thức khi được công nhận.
Đặc biệt cần có sự đầu tư cho các đề tài Hợp tác song phương giữa nhóm với các trường khác cấp quốc gia để đảm bảo tính lan tỏa và hình ảnh của Nhóm. Song song đó, nhóm cần có những nghiên cứu liên kết với các nhóm khác cùng lĩnh vực để phát triển hình ảnh và gia tăng sức mạnh trong hoạt động khoa học. Để tăng năng suất công bố quốc tế thì việc công bố các kết quả khoa học cấp quốc tế cần có chính sách thực sự khuyến khích nhóm nhiều hơn dù điều này Bộ đã thực hiện rất tích cực trong 3 năm qua với các trường thuộc Bộ theo chính sách chung.
Khắc phục tồn tại về hoạt động chung, nhóm cần tăng cường hoạt động gắn kết thành viên nhóm cùng chia sẻ để tăng năng suốt công bố, bổ sung các hoạt động đào tạo và mở rộng thêm hợp tác quốc tế. Tăng cường kết nối với các Cộng tác viên để gia tăng các đề tài khoa học có chất lượng, khai thác các ý tưởng khoa học có thể công bố quốc tế.
Hơn nữa, lịch dạy của giảng viên do đặc thù yêu cầu đào tạo và bồi dưỡng cũng như mục tiêu và nhu cầu của từng thành viên cho nên cần được hỗ trợ điều chỉnh khi cần để thu xếp các hoạt động chung. Với các nhóm nghiên cứu mạnh, cần có hướng dẫn về việc huy động tài chính cho hoạt động của nhóm để đảm bảo kế hoạch hoạt động dài hơi. Nhóm cần cố định lịch họp và trao đổi khoa học mỗi tháng hoặc quý để đảm bảo kết nối đội ngũ nhà khoa học và có chế độ quản lý hiệu quả các hoạt động chung.
Đây là vấn đề của nhóm cũng như những nhiệm vụ nhóm thực hiện chủ động song song với các giải pháp từ phía trường, ngành giáo dục và đào tạo.
Kinh nghiệm phát triển nhóm NCM của trường có giá trị gì cho vấn đề của nhóm NCM của ngành giáo dục và đào tạo trong bối cảnh mới?
- Việc phát triển nhóm NCM của Trường trong những năm qua đầu tiên có sức lan tỏa nhất là định hướng, tầm nhìn và hứng thú đối với tập thể nhà khoa học của Trường. Trong cuối năm 2020, Trường đã có 7 nhóm nghiên cứu đang phát triển đăng ký tham gia hoạt động của nhóm nghiên cứu mạnh với gần 50 giảng viên, nhà khoa học trong nước và quốc tế. Điều có thể khẳng định là sự tương tác, hiệu ứng lan tỏa là giá trị tích cực hơn cả bởi sự phát triển nội lực căn cơ, có điểm tựa, có những minh chứng và nền tảng về con người chính là tiêu điểm mà trường sư phạm cần đảm bảo.
Thật khó để nói là hoạt động của nhóm NCM của trường có giá trị gì cho vấn đề của nhóm NCM của ngành giáo dục và đào tạo trong bối cảnh mới bởi những giải pháp phát triển khoa học công nghệ của ngành đã cho thấy tầm nhìn rõ ràng, chiến lược có điểm đến. Tuy nhiên, bằng sự hiểu biết của cá nhân, các giải pháp phát triển nghiên cứu khoa học ở trường đại học đã được hệ thống hóa và trình duyệt một cách rất kịp thời trong bối cảnh mới. Hơn nữa, các tiêu chuẩn của nhóm NCM ở Trường ĐH Sư phạm TPHCM gần như tiệm cận với các tiêu chuẩn của nhóm NCM theo dự thảo của Bộ.
Bối cảnh mới càng đòi hỏi đầu tư, phát triển khoa học, công nghệ càng phải là mũi nhọn của cơ sở giáo dục đại học và biến thành một trong những hoạt động có dấu ấn cho thấy định hướng này cần được thực thi bằng cách tháo gỡ những khó khăn, thách thức về cơ chế, thủ tục và cả nguồn lực. Với niềm tin về mô thức hoạt động của nhóm NCM với vai trò trọng điểm, tính lan tỏa, hiệu ứng tương tác và cả những sức mạnh thu hút, kết nối và phân bổ, nhóm NCM sẽ là một trong những điểm nhấn cho hoạt động khoa học công nghệ trong thời gian tới.
Xin cám ơn ông.
Nguồn: Giáo dục và thời đại